Cá nước ngọt là giống cá được nhiều bà con lựa chọn nuôi bởi chúng rất dễ nuôi, đa dạng về chủng loại, đạt hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hoạch ngắn, chi phí đầu tư không quá cao. Nếu bà con vẫn thắc mắc liệu “nuôi cá gì dễ sống” hay “nuôi cá gì dễ bán” thì hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Tình hình nuôi cá nước ngọt ở nước ta
Hiện nay ở Việt Nam mô hình nuôi cá trong ao nước ngọt được áp dụng rộng rãi phổ biến, được rất nhiều bà con quan tâm. Mô hình này không chỉ giải quyết việc làm cho bà con mà còn đem lại nguồn lợi kinh tế lớn.
Các loại cá nước ngọt thường ăn các loại rau, cỏ, lá non, bèo tấm, bèo dâu, các loại bột ngô, bột cám…từ sản phẩm nông nghiệp. Những loại cá thường được bà con nuôi như: cá trắm cỏ, cá chép, cá mè, cá chim, cá rô phi…
1. Cá trắm cỏ
Loài cá này có chất lượng thịt thành phẩm không cao nhưng lại rất dễ nuôi, mau lớn và dễ bán nên được nhiều bà con chọn để nuôi. Trắm cỏ chủ yếu sống ở tầng nước giữa và thấp, thức ăn chính của chúng là các loại cây xanh thân mềm, rau, cỏ, bèo tấm, lá chuối, lá sắn, thân cây chuối non băm nhỏ, rong, ngoài ra chúng cũng ăn các loại bột ngô, khoai, sắn, cám gạo… Bên cạnh đó trong nguồn nước cá sống còn có các loại động vật phù du như: tôm, téo, ấu trùng cá… cũng cung cấp được nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho cá trắm nhanh lớn. Mật độ nuôi cá trắm cỏ được khuyến khích từ 1 đến 2,5 con/1m2. Sau khoảng 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lường 0,8 đến 1,5kg, càng về sau chúng tăng cân càng nhanh, đến khi 2 tuổi có thể nặng từ 2 đến 9 kg, 3 tuổi nặng từ 9 đến 12 kg, nhược điểm là không sinh sản tự nhiên trong ao được.
2. Cá mè
Cá mè sống trong môi trường nước ngọt, dòng chảy yếu, khu ao, hồ, đầm lầy, sông nhánh, đặc biệt thích hợp với vùng nước yên tĩnh. Loài cá này sống ở tầng mặt và tầng nước giữa, cá ăn các loại thực vật phù du, khi nuôi cá mè bà con nên bón phân chuồng hoai mục vào ao để cho các thực vật phù du phát triển làm thức ăn cung cấp đủ hàng ngày cho cá. Ngoài ra cá mè còn ăn các loại bột được xay mịn như: cám gạo, cám ngô, bột mỳ, bột sắn, bột đậu tương. Ở nước ta, cá mè thường được nuôi ghép với các loại cá khác trong ao để đảm bảo tận dụng hết được nguồn thức ăn dư thừa trong ao nuôi cá. Thời gian nuôi cá mè từ 10 – 12 tháng và trọng lượng khoảng 0,5 – 1kg mỗi con.
3. Cá chép
Cá chép là loài cá nước ngọt được đưa vào nuôi ở nước ta sớm nhất, trong đó cá chép vảy và cá chép trắng được nuôi nhiều nhất. Cá chép sống ở bề mặt đáy của ao nuôi, thức ăn chủ yếu của chúng là các động vật dưới đáy như: giun, ấu trùng muỗi, tôm lột xác…Bà con có thể cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cá bằng cách cho ăn thêm các loại thức ăn dạng hạt như: ngô, thóc đã được nấu chín. Máu sinh sản của cá thường vào tháng 3 đến tháng 6 và tháng 8 đến tháng 9, trung bình vào mùa sinh sản, 1 cân cá chép cho khoảng 150 đến 200 ngàn trứng. Cá nuôi sau 12 tháng sẽ đạt trọng lượng mỗi con từ 0,5 – 0,8kg. Cá chép không những dễ sống, dễ bán mà còn cho năng suất cũng như giá trị dinh dưỡng cao, ngoài ra các hộ chăn nuôi có thể áp dụng để nuôi thâm canh hoặc nuôi cùng các loại cá khác đều được.
4. Cá rô phi
Cá rô phi là cá có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu, so với các giống cá khác thì cá rô phi là dễ nuôi nhất. Đây là loại cá sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng đáy áo nuôi, đây là loài cá ăn tạp, thức ăn cũng chúng rất phong phú và dễ tìm, thức ăn chủ yếu của chúng là mùn bã hữu cơ, các loại phân trâu, bò, lợn, gà…ngoài ra chúng cũng ăn các loại thức ăn khác như: bèo tấm, bèo dâu và các loại tinh bột cám. Cá rô phi có thể sống được ở môi trường nước có độ mặn lên tới 32%, nhiệt độ lý tưởng từ 25 đến 35°, không nên để dưới 20° chúng không chịu ăn, dưới 12° cá sẽ chết. Cá nuôi sau 12 tháng sẽ đạt trọng lượng trung bình từ 6 đến 8 lạng.
5. Cá chim trắng
Cá chim trắng sống ở tầng nước giữa và tầng đáy của ao nuôi, chúng cũng là loài ăn tạp, dễ sống, thức ăn của chúng đa dạng phong phú vì tính kén ăn thấp, có tập tính kiếm ăn theo đàn. Nguồn thức ăn chính của cá là động vật phù du, cá tạp, cỏ, rau, mùn bã, các loại động vật thủy sinh, bột ngũ cốc, cám viên ép từ bột ngũ cốc, các loại giun, thịt động vật. Cá chim có tốc độ sinh trường và phát triển nhanh, nuôi 1 năm là có có thể đặt từ 1 – 2kg.
6. Cá trôi
Cá trôi thường sống chủ yếu ở tầng giữa của ao nuôi, thức ăn chính của chúng là bã hữu cơ, cá có thể ăn cả bèo tấm, bèo dâu, rau muống non và các loại tinh bột như cám gạo, cám ngô, bột sắn. Giống cá này tăng trưởng rất nhanh, 1 năm có thể nặng từ 0,8 – 1kg mỗi con, từ hai năm có thể nặng 1 – 2kg, thịt của chúng thơm ngon, giàu dưỡng chất nên được nhiều người yêu thích.
Bài viết trên đã giải đáp cho bà con về việc “nuôi cá gì dễ sống – dễ bán”, mong rằng bà con sẽ chọn được những giống cá tốt, chăn nuôi tốt để thu hoạch được những mẻ cá chất lượng, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn.