Vịt xiêm hay còn gọi là ngan, chăn nuôi vịt xiêm khá dễ, kháng bệnh tốt, ít bệnh tật, có tốc độ phát triển nhanh, thích nghi tốt, giá trị kinh tế cao. Ngoài chăn nuôi vịt xiêm thì chăn nuôi vịt thịt cũng là một trong những cách thức giúp bà con phát triển kinh tế hiệu quả bởi tính chất đơn giản, chăn nuôi dễ dàng. Bà con hãy cùng Biogreen tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi vịt xiêm và chăn nuôi vịt thịt qua bài viết dưới đây nhé!
1.1. Chọn giống
Chọn giống chăn nuôi vịt xiêm có vai trò quyết định trong hiệu quả chăn nuôi, nếu chọn được giống tốt thì vịt xiêm có thể tăng trưởng nhanh chóng, ít mắc bệnh và có trọng lượng thịt cao. Khi vịt xiêm trống trưởng thành có khối lượng 4 – 6kg còn vịt xiêm cái nặng 3 – 4 kg, thời gian nuôi vịt giống kéo dài 7 – 8 tuần là có thể xuất ra thị trường. Khi chọn vịt xiêm giống, bà con nên chọn những con có trọng lượng từ 40 – 50g, chọn những con nhanh nhẹn, khỏe mạnh, mắt tinh nhanh, bụng mềm, lông khô, bông và có màu sắc đặc trưng của giống. Loại bỏ những con chân khoèo, hở rốn, bụng cứng, bết lông và mắt lờ đờ.
1.2. Làm chuồng nuôi
Yêu cầu chung của chuồng chăn nuôi vịt xiêm
Để chăn nuôi vịt xiêm đem lại hiệu quả kinh tế cao, cần chú ý đến việc thiết kế chuồng trại hợp lý, đảm bảo vệ sinh để chúng phát triển khỏe mạnh. Chuồng đặt ở vị trí sạch sẽ, khô thoáng, tránh gió lùa. Thường nuôi trên chuồng sàn gạch, sàn xi măng, sàn dưới, mật độ thay đổi theo lứa tuổi. Tuần thứ 1: 14 – 15 con/m2; tuần thứ 2: 10 – 12 con/m2; tuần thứ 3: 6 – 7 con/m2, các chất độn chuồng thường sử dụng: trấu, rơm, cỏ khô. Trong 3 tuần đầu có thể không cần sử dụng chất độn chuồng, từ tuần thứ 4 trở đi lần đầu rải chất độn chuồng dày khoảng 8 – 10cm. Kết hợp sử dụng đệm lót sinh học để các vi sinh vật có lợi phân hủy phân và nước tiểu trên nền chuồng nuôi, tiêu diệt nguồn bệnh gây hại, giảm mùi hôi thối.
Nhiệt độ chuồng nuôi
Nên bố trí để nhiệt độ chuồng nuôi ổn định, nhất là trong thời gian 3 tuần đầu tiên. Nhiệt độ thích hợp trong 3 tuần đầu tiên là: tuần thứ 1: 35 – 32°C, tuần thứ 2: 32 – 30°C, tuần thứ 3: 30 – 28°C, từ 5 tuần tuổi trở đi có thể cho chúng làm quen với nhiệt độ môi trường bình thường. Có thể dùng bóng đèn điện, lò sưởi điện, sưởi ga để sưởi ấm vì vịt xiêm cần chiếu sáng liên tục trong ngày.
1.3. Thức ăn và nước uống cho vịt xiêm
Nước uống
Vịt xiêm luôn luôn cần nước uống khi ăn, nước yêu cầu phải đủ sạch, không lẫn tạp chất, nhiệt độ nước không lạnh dưới 12°C cho vịt con ở tuần đầu và dưới 8°C cho vịt ở 2 – 4 tuần kế tiếp. Đối với vịt xiêm, lượng nước cần thiết trong một ngày là từ 0,3 – 0,4 lít/con/ngày. Khoảng 3 – 5 ngày đầu tiên bà con nên pha thêm vitamin, khoáng vi lượng để tăng cường bổ sung dưỡng chất cho đàn vịt xiêm.
Thức ăn
Thức ăn là yếu tố cần thiết để chăn nuôi, bà con cần phải chuẩn bị nguồn thức ăn có chất lượng tốt, cung cấp đủ dinh dưỡng duy trì và phát triển để nâng cao hiệu suất chăn nuôi.
Thức ăn từ thực vật: thóc, ngô, cám gạo, khoai lang, sắn, cà rốt, đậu tương, lạc, bã bia…
Thức ăn từ động vật: bột tôm, bột cá, bột thịt, bột xương, giun quế, đầu cá, cá tạp, cua, ốc, hến…cung cấp axit amin không thể thay thế để đàn vịt xiêm lớn nhanh.
Thức ăn thô xanh: thân cây chuối, rau, bèo các loại, cỏ tự nhiên… bà con cũng có thể trồng bổ sung một số giống có như: cỏ voi, cỏ sả, cỏ họ đậu…
Ngoài ra bà con có thể cho ăn thêm một số loại thức ăn chăn nuôi công nghiệp để bổ sung thêm dinh dưỡng cho vịt xiêm.
Vịt là loại thủy cầm phát triển nhanh, kiếm mồi giỏi, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, cung cấp thịt, trứng, lông. Sau 2 tháng rưỡi kể từ thời điểm nở thì vịt có thể xuất bán với cân nặng mỗi con đạt từ 2,5 – 3kg.
2.1. Chọn giống chăn nuôi vịt thịt
Chăn nuôi vịt thịt tốt nhất là nhận con giống từ nơi sản xuất giống đạt tiêu chuẩn, đảm bảo các tiêu chí chung về tầm vóc, khả năng linh hoạt nhạy bén, khả năng kiếm mồi. Lựa chọn những con khỏe mạnh, không bị dị tật, mắt sáng, bụng gọn, không bị hở rốn, bết lông, chân không bị quẹo, đi lại nhanh nhẹn, vững vàng…Ngoài ra, chăn nuôi vịt thịt bà con nên chọn giống từ các tổ hợp lai 2, 3, 4 máu để đạt được sản lượng cao, có khả năng thích nghi tốt.
2.2. Chuẩn bị chuồng nuôi
Chuẩn bị chuồng chăn nuôi vịt thịt, bà con cần phải đảm bảo những yêu cầu sau:
Chuồng phải được dọn dẹp sạch sẽ, quét vôi trắng, để chuồng luôn khô ráo.
Độ ẩm trung bình 65% nếu điều kiện ẩm thấp vịt sẽ rất dễ bị mắc bệnh.
Có đèn chiếu sáng và sưởi ấm cho vịt.
Xung quanh chuồng cần che chắn bằng ni lông hoặc bạt để chắn gió.
Đối với chuồng úm vịt con mới nhập về:
Cần đảm bảo kích thước chiều rộng 6m, dài 12m cho từ 1500 – 2000 con vịt trong vòng 2 tuần đầu.
Khoảng cách từ nền chuồng đến nóc phải cách ít nhất 3,5m để đảm bảo độ thông thoáng.
Bà con có thể làm quây vịt bằng cót với chiều dài 4 – 4,5m; chiều cao 0,4 – 0,5m cho 60 – 70 con vịt con.
Đối với kiểu chuồng mở để chăn nuôi vịt thịt:
Chiều rộng chuồng nuôi từ 10 – 12m, chiều dài sẽ phụ thuộc vào số lượng đàn vịt.
Khoảng cách tối thiểu từ nền chuồng đến nóc là 3,8m.
2.3. Chăm sóc và nuôi dưỡng vịt thịt
Giai đoạn từ 1 – 3 ngày tuổi
Vịt con mới đem về cho nghỉ khoảng 30 phút sau đó cho vịt uống nước pha đường 5% và Vitamin C, tiếp theo cho vịt ăn cơm hoặc gạo lứt, mỗi ngày cho vịt ăn 5 lần.
Luôn giữ cho chuồng úm khô ráo sạch sẽ, tránh gió lùa, nước uống phải sạch sẽ, nhiệt độ úm từ 32 – 34°C.
Giai đoạn 3 – 21 ngày tuổi
Tập cho vịt ăn thêm rau xanh và cho vịt làm quen với nước, thời gian tăng dân 5 – 10 phút, vào những lúc nắng ấm. Sau 7 – 10 ngày cho vịt tắm tự do.
Từ ngày thứ 16 bà con có thể cho vịt làm quen với thóc luộc chín đã bung nở hạt gạo bên trong, cho ăn liên tục như vậy trong 3 ngày thì bỏ gạo ngô và cho ăn thóc hoàn toàn. Bà con có thể cho vịt ăn thức ăn viên công nghiệp.
Giai đoạn 22 ngày đến khi xuất bán
Tận dụng thức ăn đồng ruộng sau những mùa thu hoạch, nếu vịt đói cho ăn thêm lúa và mồi tươi theo tỉ lệ 3 lúa + 2 mồi tươi. Nên vỗ béo vịt 5 – 8 ngày trước khi xuất bán bằng lúa và các loại thức ăn viên.